Chào mọi người,
Một câu hỏi thường được mọi người quan tâm là : Có nên mua bảo hiểm y tế khi đến Úc với visa 462 ? Đây là một câu hỏi hợp lý khi ngày nay, ngày càng có nhiều rủi ro y tế khi đi du lịch nước ngoài.
Không giống như một số visa khác như visa du học 500, yêu cầu mua Bảo hiểm y tế tư nhân là bắt buộc để được cấp visa, đối với Working Holiday visa 462 thì đây lại hoàn toàn là lựa chọn tự nguyện của bạn. Cá nhân mình mua bảo hiểm năm đầu tiên và nó có ích khá nhiều (mình sẽ kể chi tiết ở phần sau ), năm thứ 2 thì mình không mua nữa để tiết kiệm.
Bởi vì việc mua bảo hiểm hay không hoàn toàn là quyết định của bạn, mình sẽ phân tích để các bạn có cái nhìn tổng quát về hệ thống và chi phí y tế Úc, qua đó các bạn có thể cân nhắc và tự quyết định nhé.
Giới thiệu hệ thống y tế Úc
Hãy bắt đầu với Medicare…
Tất cả người dân Úc đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu như nhau nhờ chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân gọi là Medicare – giống như bảo hiểm y tế Việt Nam. Medicare thanh toán cho các dịch vụ bệnh viện công bao gồm phẫu thuật và thuốc thiết yếu, đồng thời hỗ trợ hệ thống y tế tư nhân. Nó cũng trợ cấp cho các cuộc khámvới bác sĩ đa khoa – GP và Chương trình Phúc lợi Dược phẩm (PBS) giúp tạo ra nhiều loại thuốc có giá cả phải chăng.
Medicare được thanh toán thông qua thuế dưới dạng Medicare Levy – đối với tất cả công dân và PR Úc – là 2% thu nhập hàng năm của họ. Những người kiếm được hơn $ 90,000 một năm, hoặc các cặp vợ chồng và gia đình kiếm được hơn $ 180,000 một năm, không có bảo hiểm bệnh viện tư nhân, cũng phải trả Phụ phí Medicare Levy (MLS) (thêm 1,0-1,5% tùy thuộc vào thu nhập của bạn).
Tuy nhiên, chỉ công dân và người có PR Úc là được đủ điều kiện tham gia Medicare, nên công dân nước ngoài như du học sinh hay visa 462 không được (hay không phải) đóng 2% Levy này. Vì thế khi khai thuế cuối năm bạn nhớ chú ý điểm này để không bị trừ tiền nhé.
Quy trình khám chữa bệnh ở Úc
Bây giờ mình sẽ nói đến quy trình khám chữa bệnh ở Úc nhé. Đầu tiên, mọi người quá quen thuộc với quy trình khám bệnh ở Việt Nam như sau phải không:
- Bạn đến bệnh viện bất kì theo nhu cầu của mình, xếp hàng lấy số khám, chờ đợi ở ngoài phòng khám có khi 3 – 4h đồng hồ
- gặp được bác sĩ 5 phút để bác sỹ cho đơn, hoặc đi xét nghiệm ở khoa khác
- sau đó lại xếp hàng cả tiếng để lấy thuốc tại khu bán thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện để được mua thuốc rẻ hơn, hoặc
Dù có bệnh nặng nhẹ hay sao thì mọi người ai cũng có xu hướng muốn đến bệnh viện xịn nhất, bác sỹ chuyên khoa tốt nhất. Quy trình này tạo ra tình trạng đông đúc, lộn xộn ở bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội hoặc TP.HCM.
Trong khi đó ở Úc tình trạng này không xảy ra khi hệ thống y tế Úc phân luồng người bệnh ngay từ đầu. Họ xây dựng hệ thống khám chữa bệnh trong đó các bác sỹ đa khoa – gọi là GP, viết tắt của General Practitioner – mở phòng khám riêng tại các vùng dân cư. Khi đó, quy trình khám bệnh ở Úc như sau :
- Khi bạn muốn khám bệnh gì đó, bạn sẽ đến khám với GP đầu tiên. Bạn có thể hỏi han người Úc GP quen thuộc của họ, hoặc đơn giản search Google “GP near me”.
- Sau khi book lịch khám online, gọi điện thoại hoặc cũng có thể chỉ cần đến nếu có bác sĩ trống lịch thì được khám luôn. Nếu nhẹ thì họ cho thuốc luôn, nếu cần đi chụp chiếu Xquang hay xét nghiệm thì họ sẽ viết referral letter cho bạn mang đến các cơ sở thực hiện các hoạt động đó để thực hiện. Bạn mang kết quả đó trở lại cho GP, hoặc có thể 2 cơ sở trên có liên kết với nhau thì họ gửi trực tiếp kết quả cho GP.
- Bác sĩ này sau khi chuẩn đoán sẽ cho bạn phác đồ điều trị, viết đơn thuốc cho bạn là xong. Còn nếu họ cảm thấy bạn cần các biện pháp điều trị đặc biệt thì sẽ viết cho bạn một referral letter tới Hospital hoặc cơ sở y tế chuyên khoa specialists để điều trị.
- Bạn cầm referral letter tới Hospital hoặc cơ sở y tế chuyên khoa specialists để được tư vấn điều trị cụ thể và chi tiết. Bạn có thể đồng ý hoặc không thực hiện điều trị.
Bạn cũng có thể đến thẳng phòng cấp cứu ở bệnh viện. Như bữa đó mới qua Úc hơn tháng mà bị ngã gãy ngón tay, mình được ông anh đưa đi bệnh viện Sunshine lúc 10pm, vừa vô y tá kêu đóng 500$ luôn tai chỗ rồi mới tính tiếp làm gì, thôi mình đi về luôn. Đó là một quyết định đúng, vì có đóng tiền thì mình vẫn phải chờ vạ vật cả đêm ở phòng cấp cứu thôi. Cấp cứu Úc chỉ ưu tiên những người nguy kịch còn nếu bạn vẫn còn thở đều thì vẫn còn chờ nhé.
Thực trạng nền y tế Úc
Mọi người thường có suy nghĩ Úc có nền y tế cao cấp với cơ sở vật chất hiện đại, y bác sỹ thực sự quan tâm bệnh nhân như con, y tá yêu bệnh nhân như mẹ hiền. 😀 Điều này phần nào có thể là đúng ở một mức độ nào đó. Nhưng để đổi lại cho điều đó là chi phí y tế CỰC KỲ đắt đỏ, đồng thời cũng có nhiều bất cập.
Thứ nhất, Để nói về hệ thống y tế cộng đồng GP thì không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi khám tới khám lui mà không xét được ra bệnh gì, mà vẫn tốn một mớ tiền. Bác sĩ thì luôn là nghề thu nhập cao ở các nước phương Tây rồi. Các vùng regional thì cơ sở vật chất cũng như bác sĩ không hẳn là tốt lắm so với city lớn, chắc kiểu trạm y tế phường cho dễ hình dung.
Thứ hai, Để duy trì chất lượng cao của dịch vụ y tế công cộng này, cùng với sự nổi tiếng là thích tuân thủ quy trình đôi khi máy móc của người Úc, cùng sự thiếu hụt nhân viên y tế thì sự quá tải và chờ đợi dài ở bệnh viện là không thể tránh khỏi. Người ta vẫn nói vui là khi vào phòng cấp cứu nếu bạn chưa chảy máu hoặc sắp chết thì bạn vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi đến khi y tá có thể tìm được một bác sỹ rảnh có thể khám cho bạn, mà thời gian này có vẻ như vô tận đối với một số người bệnh. Trường hợp có người chờ ở phòng cấp cứu quá lâu dẫn đến tử vong cũng không phải không có.
Một câu chuyện minh họa cho sự lề mề của hệ thống bệnh viện y tế công của Úc là như sau: Lần đầu mình đến Perth du lịch có chung phòng dorm với một người Úc gốc Ấn. Ông này nhập cư Úc lâu rồi, nhưng không ở Úc mà đi du lịch liên tục 10 năm liền, và mới trở về Úc vào lúc Covid bùng phát khi chính phủ kêu gọi công dân về nước. Lúc mình gặp ông ấy bị đau mắt thị lực giảm 80% đi lại bình thường một mình cũng khá khó khăn. Hiện tại ông ấy không thể làm bất cứ việc gì và đang sống hoàn toàn bằng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ (khoảng hơn 600$ cho 2 tuần). Với điều kiện tài chính như vậy thì ông ấy chỉ có thể sử dụng dịch vụ y tế miễn phí của Medicare dành cho công dân Úc. Nhưng khi đi khám bệnh viện công thì phải chờ 1 tháng sau mới có lịch khám với bác sỹ chuyên khoa mắt, sau đó lại chờ đến lần khám lại cũng cả tháng sau. Như vậy đâu có làm việc được gì nữa, cứ chờ đợi mòn mỏi vậy. Ông ấy ước gì đã mua bảo hiểm tư trước đó để đi khám phòng khám tư nhưng đã quá muộn rồi, vì bảo hiểm tư nhân không chỉ trả cho những trước hợp mắc bệnh từ trước. Bạn thấy đấy, cái gì cũng có 2 mặt phải không?
Thanh toán chi phí y tế ở Úc
Chi phí y tế Úc khá phức tạp. Mình sẽ chia sẻ một số kiến thức mình biết được.
Nếu bạn thấy chữ Bulk Billing bên ngoài phòng khám GP thì có nghĩa là bác sỹ nhận thanh toán hoàn toàn của Medicare, nghĩa là các công dân Úc có tham gia Medicare chỉ đến khám rồi về mà không nhận một hóa đơn nào cả.
Tương tự như vậy, khi mình tham gia bảo hiểm của một hãng ví dụ như Bupa, thì sẽ có các GP liên kết với công ty bảo hiểm này, có thể có khả năng cao là, sẽ chấp nhận thanh toán hoàn toàn từ Bupa. Bạn chỉ có thể đến khám rồi đi về, còn hóa đơn sẽ được gửi tới Bupa. Nhưng mỗi GP, cũng như bác sỹ, có quyền tự ra giá khám chữa bệnh của mình. Do đó chi phí có thể sẽ cao hơn mức Bupa cover, và bạn phải trả phần còn lại, gọi là Cover Gap. Bạn có thể đến một GP bất kỳ không cần liên kết với công ty bảo hiểm mà bạn mua, tự thanh toán hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh, sau đó gửi tờ xác nhận khám bệnh và hóa đơn tới công ty bảo hiểm để được hoàn tiền. Tỷ lệ hoàn tiền phụ thuộc vào chính sách của công ty bảo hiểm, mức bảo hiểm bạn mua, loại hình điều trị và thuốc mà bạn sử dụng.
Bữa hôm đó mình không vào phòng cấp cứu nữa nên hôm sau mình đến phòng khám GP như đúng trình tự trên : gặp GP đóng tiền 50$, chỉ định đi chụp X quang cỡ 80$ gì đó, sau đó mang hình ảnh quay lại GP, nhận giấy giới thiệu lên bệnh viện, rồi y tá tiếp nhận rồi đưa vô chỗ bác sĩ băng bó. Mình lưu lại mọi hóa đơn và phiếu khám để sau này dùng claim bảo hiểm.
Đầy là mình nói về chi phí khám với GP, còn với bênh viện thì sao. Bữa đó bac sĩ băng bó xong, bảo về nhà chờ 2 tuần nó tự lành rồi lên khám lại, mỗi lần khám lại 300$ mà có 15 phút. Mình thấy tất cả chi phí ở bệnh viện đều gửi về nhà sau chứ không thanh toán gì lúc đó hết, nên mình cũng không biết là hết bao nhiêu tiền. Sau này cứ lâu lâu lại có hóa đơn gửi về nhà vậy đó. Mình nghĩ có bảo hiểm sau sẽ cover được nên cứ đi khám đi cho an tâm. Người ta tư vấn mấy lần là khuyên mình nên mổ để sắp xếp lại xương. Má trời, ở VN cả đời chưa bao giờ gãy 1 cọng xương nào mà vừa đến xứ củ chuối này đã bị kêu lên phòng mổ rồi. Mình nói mình ko có tiền, y tá bào tùy mày quyết định, tao chỉ recommend thế thôi.
Bảo hiểm tư nhân
Chính sách bảo hiểm
Các bạn đã có cái nhìn tổng quát về hệ thống y tế cộng đồng Úc. Còn visa 462 như chúng ta sử dụng y tế tư nhân thì sao ?
Quyền lợi, chi phí thành viên và các điều kiện có thể khác nhau rất nhiều giữa công ty bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm. Khi mua bất kỳ bảo hiểm sức khỏe nào, hãy cẩn thận để đảm bảo bạn chọn chinh sách bảo hiểm – policy phù hợp với nhu cầu của mình.
- Kiểm tra thời gian chờ của Policy. Hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ áp dụng thời gian chờ đợi 12 tháng để được bảo hiểm đối với các tình trạng đã có từ trước, và một số thậm chí có thể loại trừ vĩnh viễn các tình trạng đã có từ trước, có nghĩa là chúng không bao giờ có thể được bảo hiểm. Bởi vì các chính sách bảo hiểm thường bắt đầu khi bạn đến Úc, các bệnh phát triển trong khi bạn đi du lịch đến Úc thường được coi là đã có từ trước. Ví dụ gói Bupa mình mua có thời gian chờ cho thai sản và bệnh có sẵn là 12 tháng từ khi mua gói policy đầu tiên. Họ chỉ muốn chi trả cho các trường hợp tai nạn bất ngờ ngoài ý muốn.
- Kiểm tra các hạn chế và loại trừ của policy. Không phải tất cả mọi thứ sẽ được bảo hiểm đầy đủ và một số mục có thể không được bảo hiểm. Hãy nhớ rằng chi phí bệnh viện cho du khách nước ngoài, ngay cả ở bệnh viện công, thường cao hơn 1.000 đô la mỗi ngày.
- Cân nhắc chi trả mức bảo hiểm bệnh viện cao nhất mà bạn có thể chi trả. Để tiết kiệm tiền bảo hiểm, bạn có thể chọn trả mức vượt quá cao hơn thay vì bị hạn chế hoặc loại trừ.
- Kiểm tra xem chính sách của bạn sẽ chi trả bao nhiêu cho dược phẩm vì hầu hết các chính sách chỉ có giới hạn chi trả và sẽ không chi trả đầy đủ cho các loại thuốc chi phí cao.
- Giữ cho policy của bạn được thanh toán và cập nhật. Nếu policy của bạn không được thanh toán, công ty bảo hiểm của bạn có thể từ chối yêu cầu bồi thường hoặc hủy bỏ tư cách thành viên của bạn.
- Nếu bạn dự kiến điều trị, hãy liên hệ với công ty bảo hiểm của bạn và tìm hiểu xem bạn có được bảo hiểm hay không và bạn sẽ phải tự trả bao nhiêu. Nếu bạn cần điều trị mà không được công ty bảo hiểm của bạn chi trả, hãy hỏi nhà cung cấp dịch vụ y tế để biết số tiền bạn sẽ cần phải trả từ túi tiền của mình.
Hướng dẫn claim tiền bảo hiểm
Mỗi công ty có hướng dẫn nhiều cách claim tiền bảo hiểm trên website của họ, ở đây mình sẽ ví dụ về bảo hiểm Bupa theo cách mình đã từng làm nhé.
Bupa là một trong những nhà cung cấp bảo hiểm y tế tư nhân lớn tại Úc, và quá trình claim (yêu cầu bồi thường) bảo hiểm của họ thường khá đơn giản và thuận tiện. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách claim tiền bảo hiểm của Bupa:
Bước 1: Chuẩn bị tài liệu cần thiết
Trước khi bắt đầu quá trình claim, bạn cần chuẩn bị một số tài liệu sau:
- Hóa đơn và biên lai gốc: Các hóa đơn, biên lai từ nhà cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm thông tin chi tiết về dịch vụ đã nhận.
- Thông tin bảo hiểm: Số hợp đồng bảo hiểm và thẻ bảo hiểm y tế của Bupa.
- Thông tin cá nhân: Các thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, và thông tin liên lạc.
Bước 2: Lựa chọn phương thức claim
Bupa cung cấp nhiều phương thức để claim tiền bảo hiểm. Bạn có thể chọn phương thức phù hợp nhất với mình.
1. Claim trực tuyến qua MyBupa
- Đăng nhập MyBupa: Truy cập trang web MyBupa và đăng nhập vào tài khoản của bạn.
- Chọn “Make a Claim”: Sau khi đăng nhập, chọn tùy chọn “Make a Claim” trên bảng điều khiển.
- Nhập thông tin: Điền các thông tin cần thiết về dịch vụ y tế bạn đã nhận và tải lên các tài liệu cần thiết như hóa đơn và biên lai.
- Gửi claim: Sau khi nhập đầy đủ thông tin và tải lên tài liệu, bạn có thể gửi yêu cầu claim của mình. Bạn sẽ nhận được xác nhận từ Bupa sau khi gửi.
2. Claim qua ứng dụng MyBupa
- Tải ứng dụng MyBupa: Ứng dụng MyBupa có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng di động như App Store và Google Play.
- Đăng nhập và chọn “Claims”: Đăng nhập vào ứng dụng, chọn mục “Claims” và làm theo hướng dẫn để nhập thông tin và tải lên tài liệu cần thiết.
- Gửi claim: Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn có thể gửi yêu cầu claim của mình trực tiếp từ ứng dụng.
3. Claim qua bưu điện
- Tải mẫu claim: Truy cập trang web của Bupa và tải về mẫu yêu cầu bồi thường (claim form).
- Điền mẫu: Điền đầy đủ thông tin vào mẫu yêu cầu bồi thường.
- Gửi qua bưu điện: Gửi mẫu yêu cầu cùng với các tài liệu cần thiết đến địa chỉ Bupa:yamlCopy code
Bupa Claims GPO Box 9809 Brisbane QLD 4001
4. Claim trực tiếp tại các chi nhánh Bupa
- Đến chi nhánh Bupa: Bạn có thể đến một chi nhánh Bupa gần nhất để nộp yêu cầu claim.
- Cung cấp tài liệu: Đưa các tài liệu cần thiết cho nhân viên tại chi nhánh để họ hỗ trợ bạn trong quá trình claim.
Bước 3: Theo dõi trạng thái claim
- Kiểm tra trạng thái trực tuyến: Bạn có thể theo dõi trạng thái của yêu cầu claim trực tuyến thông qua MyBupa hoặc ứng dụng MyBupa.
- Nhận kết quả: Sau khi Bupa xử lý yêu cầu claim, bạn sẽ nhận được thông báo về kết quả. Thời gian xử lý có thể khác nhau tùy thuộc vào loại dịch vụ và tính phức tạp của yêu cầu.
Lưu ý
- Thời hạn claim: Đảm bảo bạn gửi yêu cầu claim trong thời hạn quy định của Bupa, thường là trong vòng 2 năm kể từ ngày dịch vụ được cung cấp.
- Kiểm tra điều khoản hợp đồng: Đọc kỹ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi và các dịch vụ được bao phủ.
- Liên hệ Bupa: Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình claim, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bupa qua số điện thoại hỗ trợ khách hàng hoặc truy cập trang web của họ để được hỗ trợ.